top of page

Phỏng vấn: Thiết kế nhận diện thương hiệu trong chiến lược truyền thông và tiếp thị

Bộ nhận diện sẽ xoa dịu những lo ngại mà khách hàng có thể có về thương hiệu của bạn? Bài phỏng vấn của Yen Design & Brand Style cùng Mina Mai trên trang Visible You dưới đây sẽ đưa ra lời giải đáp cho thắc mắc của bạn. Cùng tìm hiểu nhé!


Chào các bạn độc giả của Visible You.

Trong bản tin ngày hôm nay, mình muốn mang tới một vị khách mời và chủ đề rất đặc biệt đó chính là chị Hoàng Yến cùng chủ đề nhận diện thương hiệu trong chiến lược tiếp thị và truyền thông.

Để lý giải cho lý do tại sao có buổi trò chuyện này, mình xin được chia sẻ lại một đoạn nội dung trên website của chị Yến:

“Bộ nhận diện thương hiệu thường bị hiểu lầm rằng chỉ đóng vai trò giúp phân biệt giữa các thương hiệu, tuy nhiên trên thực tế, vượt qua các yếu tố về diện mạo, chúng còn góp phần tạo dựng lòng tin và định hình giá trị của doanh nghiệp. Nó cho phép khách hàng nhận ra những lợi ích và đặc điểm độc đáo mà thương hiệu đem lại. Khi được thiết kế một cách chỉn chu, các yếu tố này sẽ bổ trợ lẫn nhau và truyền đạt một thông điệp trực quan, mạch lạc và tích cực tới khách hàng. Chúng giúp không chỉ thu hút, tạo nên cảm xúc thích thú, yêu mến đối với thương hiệu mà còn xoa dịu những lo ngại mà họ có thể có về thương hiệu của bạn. Những yếu tố này có thể khó diễn đạt thành lời, nhưng chúng có thể thuyết phục về mặt tâm lý.”

Đây chính xác là những thông tin mà mình muốn mang tới cũng như muốn được đào sâu trong buổi trò chuyện này. Và mình tin, nó cũng sẽ giải quyết được nhiều lầm tưởng và có thêm góc nhìn thú vị cho các bạn trong câu chuyện thiết kế bộ nhận diện thương hiệu.

Giờ thì cùng mình bắt đầu nhé!



Mina: Chào chị Yến, cảm ơn chị Yến đã tham gia buổi chia sẻ về nhận diện thương hiệu trong hoạt động xây dựng thương hiệu và tiếp thị ngày hôm nay. Trước tiên, chị Yến có thể giới thiệu một chút về công việc hiện tại cũng như một vài thông tin về chị cho độc giả của Visible You biết tới được không ạ?


Yến Hoàng: Xin chào độc giả của Visible You và Mina. Hiện tại, chị đang là một Solopreneur trong lĩnh vực thiết kế với thương hiệu riêng là Yen Design and Brand Style. Chị đã có 10 năm làm thiết kế, đặc biệt là góc độ thiết kế nhận diện thương hiệu, từ những tập đoàn nước ngoài cho đến những công ty từ lớn tới nhỏ, Agency hay cộng tác với nhiều nhãn hiệu, cá nhân như em hoặc chị Linh Phan.


Mina: Theo như chị chia sẻ thì chị có hơn 10 năm gắn bó với công việc thiết kế nhận diện thương hiệu, vậy đâu là kỷ niệm chị thấy đáng nhớ nhất hoặc ý nghĩa nhất đối với chị?


Yến Hoàng: Kỷ niệm ý nghĩa với chị thì có khá nhiều, nhưng chị ấn tượng nhất là khi chị làm ở tập đoàn dược thú y của Pháp, ở đó chị đã học được rất nhiều. Thứ nhất là kỹ năng tự học, thứ hai là tư duy cầu tiến. Chị được tiếp xúc với những thiết kế ở nước ngoài. Chị học hỏi được ở những người không chỉ là sếp của mình mà còn là những người sếp ở những phòng ban khác về sự chỉn chu, tỉ mỉ bên cạnh sự sáng tạo, đa nhiệm trong thiết kế từ đó có thể tư vấn, hỗ trợ cho khách hàng một cách đúng, sắc nét nhất.


Mina: Vậy đây có phải là thời gian mà chị hình thành tư duy rõ ràng hơn về việc mình tập trung vào góc độ thiết kế nhận diện thương hiệu không ạ?


Yến Hoàng: Thực ra từ trước tới nay, chị cũng có sự thay đổi nhiều lắm, vì chị học chuyên thiết kế. Sau này, khi đi làm nhiều thì mình va chạm hơn nhưng kiến thức của mình rải rác mỗi nơi một ít. Khi làm những những công ty nhỏ, những khách hàng chị đã nói họ về nhận diện thương hiệu, về tiếp thị, truyền thông rồi. Nhưng lúc đó chị chưa định hình được rõ ràng mình nên hệ thống hoá cũng như bắt đầu như thế nào. Thực chất không có khóa học nào để hướng dẫn những cái đó. Cho tới khi gặp chị Linh, mọi thứ được hệ thống hóa lại. Đặc biệt là khi tham gia group AFD rồi bùng nổ sau thử thách của 30 ngày tạo dựng sức ảnh hưởng cùng Visible You. Chị tự tin hơn, chuyên nghiệp hơn, rồi cho ra mắt thương hiệu cùng dịch vụ thiết kế nhận diện thương hiệu của chính mình.


Mina: Nói tới thiết kế nhận diện thương hiệu thì như chị biết, thời gian vừa rồi Vinamilk vừa cho ra mắt logo mới. Tất cả mọi người bắt trend rất nhiều, có rất nhiều sự phân tích, có nhiều thông tin liên quan đến bộ màu, logo đấy. Dưới góc độ của một người thiết kế về thương hiệu thì chị có nhận định như thế nào hoặc góc nhìn như thế nào?


Yến Hoàng: Ngoài yếu tố được truyền thông chú ý thì chị thấy khá thú vị với logo của Vinamilk. Với chị, người thiết kế, làm ra logo này cũng khá giỏi. Vì chiếc logo này có tính chất hiện đại nhưng mang dấu ấn thời gian, tính lịch sử khá cao. Những nét của chữ lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ, tranh dân gian, thể hiện nét đặc trưng trong văn hoá nghệ thuật Việt Nam nhưng lại gần gũi dễ nhớ. Tuy đơn giản, nhưng chị đánh giá nó ấn tượng hơn nhiều logo của nhãn hiệu khác, nhất là các nhãn hiệu quá nhiều chi tiết, rườm rà hình thù.


Bởi đối với chị, logo sẽ là biểu tượng đại diện thương hiệu, nó cần tối giản nhất có thể để người nhìn có thể nhận biết nhanh về thương hiệu đó. Nếu logo có quá nhiều chi tiết sẽ khó nhận biết hoặc dễ quên. Hoặc nhiều chi tiết thì bắt buộc logo phải có kích thước to. Nhưng đôi khi ở những sản phẩm có kích thước nhỏ: sticker, name card… thì làm sao nó có thể xem rõ ràng. Vì vậy, bên cạnh yếu tố dễ nhớ, chúng ta cũng cần cân nhắc về việc làm thế nào để “khoe”, hiển thị tối đa trên mọi kích thước.


Khi chị đi dạy, những thầy giáo khác chuyên về thiết kế logo, mọi người đều đồng quan điểm là: Logo nên tối giản nhất có thể. Và logo của Vinamilk làm được điều đó.

Chị biết có bạn chê thiết kế này. Mọi người nói “tại sao đổi lại xấu quắc”, nhưng thật chất đó là cả một chiến lược rồi. Ở những tập đoàn lớn, họ có một ban bệ rất khủng để làm những việc đó.


Không chỉ Vinamilk, nhiều những thương hiệu thời trang nổi tiếng, sau này họ đổi lại logo thì phiên bản mới cực kỳ đơn giản, nhiều khi chỉ là chữ có chân hoặc không chân thôi. Hay như Apple, hồi xưa mọi người chê quá trời, bây giờ logo chỉ là một cái trái táo thôi. Những người có kiến thức, có nền tảng họ sẽ hiểu được. Và chính nhờ những sự tranh luận này, mà những thương hiệu này cũng sẽ nổi rất nhanh, hiệu quả về mặt truyền thông.


Mina: Như chị vừa nói, vừa nhắc đến để ra mắt được một cái logo mới thì những công ty hoặc những thương hiệu họ đã có chiến lược rồi. Thế thì, theo chị một thiết kế về nhận diện thương hiệu nói chung, về một logo nói riêng thì nó sẽ đóng vai trò như thế nào trong hoạt động tiếp thị, truyền thông trong một thương hiệu hoặc một doanh nghiệp?


Yến Hoàng: Dưới góc nhìn là một nhà thiết kế, logo khá là quan trọng. Hiện tại trên mạng có sẵn không ít những chiếc logo chung chung, mình có thể tải về thay cái đó và bán. Đó là chuyện bình thường. Nhưng đối với chị thì mỗi thương hiệu thì sẽ có một cá tính riêng, có một đặc điểm nhận diện riêng.


Ví dụ như thương hiệu về chó mèo nhưng với hai chủ thương hiệu khác nhau. Một bên là của anh chủ cá tính, một bên là cô chủ siêu dịu dàng, bánh bèo. Thì đối với logo thương hiệu của cô nàng bánh bèo, ta sẽ cần dùng chữ hơi nguệch ngoạc chút xíu, màu phải sáng thì mới nhìn ra được cái chất của thương hiệu và chủ thương hiệu là một cô gái. Đối với anh chàng cá tính thì màu gam lạnh, mạnh mẽ thì nét chữ cần dứt khoát hơn, vuông vức hơn thì nó sẽ ra cá tính của thương hiệu đó và anh chàng đó. Và mỗi người có cái gu khác nhau. Nếu chị đổi hai cái cho nhau thì anh cá tính sẽ không thích thiết kế bánh bèo. Chị bánh bèo sẽ không thích thiết kế cá tính.


Đó là lý do mà những thiết kế của chị hầu hết được khách hàng duyệt ngay từ lần đầu tiên. Vì chị có tìm hiểu về khách hàng làm sao để: thứ nhất, nhận diện thương hiệu có thể thể hiện cá tính thương hiệu; thứ hai làm sao để thể hiện được cá tính của người chủ thương hiệu. Vì thương hiệu là đứa con của người chủ đó và người chủ sẽ là người quyết định có bỏ tiền ra cho cái thiết kế đó hay không; thứ ba nó phải có ý nghĩa gì đó liên quan tới thương hiệu.


Việc của mình là tìm hiểu khách hàng, tìm hiểu thương hiệu đó để cho ra thiết kế phù hợp, thể hiện được đặc điểm khách hàng nhất có thể. Làm thương hiệu nói dễ thì không dễ, nhưng khó thì cũng không khó. Thật chất khi làm nhiều thì chị sẽ làm nhanh hơn chút xíu, nhưng đó cũng là cả một quá trình không chỉ tích lũy không chỉ kinh nghiệm về thiết kế mà còn là kinh nghiệm sống. Kinh nghiệm sống để hiểu được khách hàng nhanh nhất có thể qua cách mình nói chuyện với khách hàng mình biết được khách hàng là người sôi nổi, nhẹ nhàng, chỉn chu, chi tiết chẳng hạn. Chỉn chu chi tiết thì mình đi những nét dứt khoát hơn, những cô nàng bánh bèo, thích hoa lá cành thì mình đi những cái nét tròn hơn.



Mina: Một bộ nhận diện có tác động như thế nào đến một thương hiệu hay một doanh nghiệp không chị?


Yến Hoàng: Có, rất lớn. Thứ nhất, bộ nhận diện thương hiệu hỗ trợ thể hiện được cá tính, giọng điệu, câu chuyện của thương hiệu. Ví dụ một thương hiệu mỹ phẩm trên Instagram có đầu tư logo, có bộ template, có bộ chữ thương hiệu rõ ràng thì khi lướt thấy màu đó mình biết đó là của thương hiệu đó. Sự thể hiện của chúng khiến độc giả có ấn tượng với cảm xúc như thế nào. Còn bên khác không logo, không có template rõ ràng, khiến mình không biết đó là của thương hiệu nào, không có cảm giác đặc biệt gì đọng lại.


Thứ hai, bộ nhận diện thương hiệu còn hỗ trợ doanh nghiệp và thương hiệu định vị được vị thế, tiêu chuẩn và giá trị của thương hiệu trong mắt độc giả. Cùng một đối tượng khách hàng, cùng một sản phẩm nhưng có nhận diện thương hiệu sẽ bán được khách hàng tầm trung trở lên. Còn không đầu tư về nhận diện thương hiệu sẽ chỉ bán được tầm khá trở xuống thôi, những bạn sinh viên sẽ ưu tiên hơn, thậm chí khách hàng còn không biết tới bạn để mà mua sản phẩm.


Thứ ba, nó giúp thương hiệu được nâng tầm, khiến cho độc giả có góc nhìn thiện cảm hơn, dễ dàng tiếp nhận thông tin và đưa ra quyết định, hành động mua hàng hơn. Chị nghĩ ai cũng vậy, họ cần biết và thấy tin tưởng khi mua sản phẩm gì đó. Đặc biệt, với nhóm những người đã có tiền rồi, lúc này điều họ quan tâm hơn là uy tín, họ cần biết thương hiệu này là gì, sản phẩm mang lại giá trị cảm xúc gì, giúp họ thể hiện được điều gì. Và nhận diện thương hiệu tốt, thể hiện tốt tính chất, chất lượng của thương hiệu sẽ giúp bạn làm điều đó.


Em để ý, khi hai website đều có thông tin giống nhau, nhưng một bên website được đầu tư hình ảnh đẹp, thiết kế chỉn chu, tạo cảm giác tích cực. Một bên website được làm theo kiểu chắp vá, lỗi thời, làm cho có thì chắc chắn người ta dễ dàng mở lòng để tìm hiểu sản phẩm bên website đẹp hơn. Người ta sẽ cảm thấy thương hiệu này có sự chỉn chu, tôn trọng khách hàng và người ta sẵn sàng hợp tác hay mua sản phẩm. Mạng xã hội, Internet ngày càng phát triển, nhu cầu và yêu cầu của người dùng, khách hàng sẽ ngày càng cao hơn về mặt thẩm mỹ.


Mina: Em đồng ý với ý kiến của chị Yến. Em cũng chia sẻ thêm rằng: đó cũng chính là lí do tại sao Visible You muốn hợp tác với chị Yến để hỗ trợ các bạn học viên của chương trình Authentic You trong việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp.

Vậy dành cho những bạn đang thực hành phát triển thương hiệu cũng như các bạn đang thực hành thiết kế, chị có thể chia sẻ thêm một lỗi sai hoặc một vài sai lầm phổ biến để các bạn có thể kiểm tra hoặc rà soát lại thương hiệu của mình không?


Yến Hoàng: Theo chị, với các bạn mới bắt đầu thì chúng ta có thể bắt tay ngay vào những điều đơn giản nhất:

  • Nếu chưa có nguồn lực đầu tư cho logo, bộ nhận diện thương hiệu, hãy lấy chính tên của bạn kết hợp với một Font chữ mà bạn yêu thích. Sử dụng cố định nó trong các thiết kế của mình. Nếu các bạn muốn phát triển thương hiệu chuyên nghiệp thì mình khuyên rằng các bạn không nên tiết kiệm chi phí cho danh mục này. Vì bộ nhận diện thương hiệu mang lại cho bạn nhiều hơn bạn nghĩ.

  • Sử dụng hình ảnh nhất quán: trên Facebook nên hạn chế share những thông tin, hình ảnh không liên quan, không biến Facebook của mình thành Facebook rác. Sử dụng hình ảnh do mình thiết kế với bảng màu nhất định để tạo sự thống nhất, xuyên suốt các bài đăng. Tránh trường hợp sử dụng quá nhiều màu, các bạn xin đừng có FOMO khi thấy màu của hình ảnh thương hiệu khác.

  • Tận dụng nguồn lực trên mạng Internet: Tất nhiên, trong vai trò là người thiết kế, mình khuyên các bạn nên có sự đầu tư về mặt hình ảnh. Sử dụng hình có chọn lọc, chỉn chu. Nếu bạn chưa có nhiều ngân sách để đầu tư bộ hình, bộ nhận diện cho riêng mình thì bạn có thể tải về những hình ảnh bạn thấy đẹp. Bạn có thể tận dụng từ trên Internet. Nhưng lưu ý với gạch đầu dòng thứ nhất: nên sử dụng cùng một phong cách hoặc màu sắc để tạo thành chủ đề nhất quán.

  • Chú ý chính tả, font chữ, bố cục khi thiết kế: Sử dụng xuyên suốt, cố định 2-3 Font chữ cho tất cả các thiết kế. Về bố cục, đơn giản thôi, nếu không hiểu quá nhiều về bố cục thì có thể căn giữa. Và không được gom nội dung, quá nhiều màu trong thiết kế đó vì nó khiến thiết kế của bạn trở nên lộn xộn.

Mina: Em cảm ơn chị Yến đã chia sẻ cùng độc giả của Visible You về bộ nhận diện thương hiệu trong câu chuyện làm truyền thông và tiếp thị sản phẩm, dịch vụ. Trước khi kết thúc, em xin chúc chị Yến sẽ full job 6 tháng cuối năm và thời gian tới thương hiệu Yen Design and Brand Style sẽ có những bước tiến mới. Em cảm ơn chị đã dành thời gian cho buổi trò chuyện ngày hôm nay.

Xin được bật mí thêm một chút, chị Yến Hoàng đã chính thức nhận lời mời trở thành chuyên gia hợp tác của Visible You trong mảng thiết kế nhận diện thương hiệu. Chị Yến sẽ phụ trách giảng dạy các học phần về thiết kế trong tạo dựng sức ảnh hưởng, cũng như thiết kế các bộ nhận diện (logo, Font chữ, social media concept template) dành cho học viên của Visible You. Cụ thể, các học viên của chương trình Authentic You sẽ được tham gia theo chính sách này.


Nếu các bạn quan tâm và muốn được tư vấn cụ thể hơn, các bạn có thể liên hệ với Visible You tại: Authentic You


Nếu các bạn quan tâm tới kiến thức về nhận diện thương hiệu hoặc dịch vụ của chị Hoàng Yến, xin mời các bạn ghé thăm địa chỉ:


Cảm ơn các bạn đã đọc nội dung bài phỏng vấn này. Hãy ủng hộ Yến và Yen Design nhé. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài đăng tiếp theo.

Comments


bottom of page