top of page

2 kỹ năng designer mới vào nghề cần tập trung trau dồi để “điêu khắc” brand style khác biệt

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao cũng là designer nhưng đồng nghiệp của bạn có thể kiếm được vài triệu/vài chục triệu hoặc thậm chí một bản thiết kế có khi hàng trăm triệu, trong khi bạn chỉ đang ở mức... chưa tới 01 triệu đồng?

Bỏ qua những lý do như tuổi đời, tuổi nghề, làm sao để Designer mới tăng cơ hội nhận được những bản hợp đồng "béo bở"? Liệu có phải chỉ cần thiết kế có gu tốt là sẽ có cơ hội ấy?


Không hẳn đâu. 


Ở bài viết bên dưới Yen Design sẽ chia sẻ với bạn 02 kỹ năng quan trọng sẽ giúp designer mới vào nghề “điêu khắc” được brand style khác biệt và từ đó gia tăng thu nhập, khẳng định brand style cho chính mình. Mời bạn cùng đọc nha!

Yen Design cũng giống như bao nhà thiết kế khác khi mới vào nghề, cũng chỉ kiếm tiền dựa trên kỹ năng quan trọng nhất của mình - đó là biết thiết kế, biết sử dụng công cụ thiết kế để cho ra những ấn phẩm, sản phẩm ưng ý người thuê. Nhưng, không phải thiết kế nào đưa ra cũng được chấp nhận nhanh chóng. Cũng không phải thiết kế nào cũng giúp Yen Design giữ chân được khách hàng 100%. 

Nhưng, qua thời gian, qua nhiều lần thay đổi, trau dồi để mang đến kết quả tốt hơn cho khách hàng và cho chính mình, Yen Design đã đúc rút ra được những kinh nghiệm riêng, như một sự sẻ chia gửi đến các bạn thiết kế mới vào nghề, phần nào mong rằng bạn có thể từ những hướng dẫn này mà điêu khắc brand style độc đáo, khác biệt.


1. Kỹ năng khai thác Brief

Để khai thác triệt để mong muốn, thông điệp và giá trị mà khách hàng gửi trao, bạn cần phải có khả năng khai thác tốt bản brief mà mình nhận được. 


Việc khai thác brief giống như một chiếc chìa khóa giúp bạn đi đúng hướng, mở đúng cánh cửa khách hàng mong muốn - đúng ở đây là về mặt thể hiện mong muốn của người đó khi họ biểu đạt về brand của bản thân.


Và để làm được điều đó, trước khi đi vào giai đoạn làm việc chính thức, bạn cần dành ra thời gian tư vấn - trao đổi, lắng nghe sâu từ các cuộc trò chuyện với khách. 


Đây cũng chính là điều mà Yen Design luôn luôn làm trước khi bắt tay vào thiết kế, phối màu.


Là một designer, bạn hãy nhớ một điều rằng:


Khách hàng không phải là người có quá nhiều chuyên môn và các kiến thức về màu sắc trong thiết kế, nên mới cần tới bạn - một designer có chuyên môn. 


Vậy nên, các buổi gặp để khai thác brief này, ngoài việc lắng nghe, sẽ cần phải khơi gợi, tư vấn lại cho khách hàng về các ý tưởng (idea) của họ. Mà để làm được điều này, bạn cần lắng nghe sâu và có kiến thức nền tảng tốt về design. 

Ví dụ, ngoài các yếu tố cần thiết như màu sắc và hình ảnh mong muốn, Yến sẽ thường hỏi sâu và kĩ hơn về câu chuyện thương hiệu để sử dụng hình ảnh cho phù hợp.


Để mình kể cho bạn một ví dụ chi tiết hơn: 


Yen Design từng làm với một khách có dịch vụ dạy tiếng Việt cho người Nhật. Thương hiệu đó có một câu thông điệp “Dạy bằng cả trái tim” và mong muốn người học sẽ chăm chỉ như một con ong. Ở đây, có 02 từ khóa Yến có thể sử dụng cho thiết kế: trái tim và con ong. Yến đã kết hợp 2 từ khóa này với nhau bằng cách sắp xếp các hình trái tim tạo thành hình con ong để vừa thể hiện được tinh thần dạy bằng cả trái tim, vừa truyền tải được mong muốn học viên chăm chỉ như một con ong.


Nếu không đọc rõ mong muốn, không hiểu giá trị cốt lõi của công việc/nghề nghiệp, không nắm được thông điệp của lĩnh vực, và cũng không lắng nghe đủ sâu để hiểu được khách hàng muốn trao đi điều gì qua brand style, thì rất khó để ra được một logo hay bộ nhận diện độc đáo, có ý nghĩa.


Ví dụ về logo xếp hình trái tim thành hình con ong

Ngoài ra, bạn cũng cần khai thác hình ảnh mà khách hàng mong muốn thương hiệu hướng đến: chuyên nghiệp, giản dị, gần gũi, hay cá tính? Hiểu rõ đối tượng sẽ giúp bạn đưa ra tư vấn phù hợp. 


  • Trẻ em từ 0 đến 3 tuổi sẽ khác với đối tượng tuổi teen. 

  • Nhân viên văn phòng 30 tuổi chắc chắn không giống lãnh đạo cấp cao 30 tuổi. Hai tệp đối tượng này sẽ có các phong cách tiếp cận khác nhau. Với tệp nhân viên văn phòng, mình sẽ dùng hình ảnh đơn giản, gần gũi để tiếp cận. Nhưng đối với tệp lãnh đạo, những hình ảnh sang trọng hơn, quyền lực hơn mới là phù hợp.


Khi khai thác brief đủ sâu, bạn sẽ định hình được phong cách thiết kế mà thương hiệu muốn hướng tới và có cách làm phù hợp để thể hiện được cá tính và câu chuyện của thương hiệu.


Sau khi khai thác brief, giờ là câu chuyện định hình phong cách thiết kế.


2. Định hình phong cách thiết kế


Định hình phong cách thiết kế là bước giúp bạn chuyển hoá mọi mong muốn của khách hàng thành hình ảnh cụ thể. Phong cách thiết kế bao gồm: màu sắc, typography, bố cục và phân cấp nội dung. Mỗi phong cách – từ cổ điển, sang trọng đến tối giản – sẽ phù hợp với những ngành nghề và nhóm đối tượng khác nhau.


Nếu bạn đang làm cho một khách hàng lĩnh vực yoga, những hình ảnh gần gũi, nhẹ nhàng sẽ là lựa chọn phù hợp. Nhưng nếu khách hàng của bạn đang làm kinh doanh thì sẽ cần hình ảnh, phong cách chuyên nghiệp, chỉn chu. Hoặc nếu khách hàng của bạn đang kinh doanh căn hộ cao cấp, hãy thử hướng thương hiệu đó tới hình ảnh cao cấp với hiệu ứng màu vàng gold để thể hiện đẳng cấp.

Phong cách thiết kế cho yoga, business, khách sạn cao cấp

Sau khi đã xác định được phong cách thiết kế, bạn mới có thể lựa chọn màu sắc phù hợp. Không phải màu nào phối với nhau sẽ có cùng một ý nghĩa. Thực tế, mỗi sắc độ màu có một ý nghĩa khác nhau. 


Ví dụ, màu đen - neon thể hiện sự cá tính, mạnh mẽ. Trong khi đó, những gam màu pastel lại mang lại cảm giác nhẹ nhàng, nữ tính.

2 bộ màu thể hiện 2 cá tính khác nhau của thương hiệu

Typography (nghệ thuật chơi chữ trong thiết kế) cũng vậy. Mỗi kiểu chữ sẽ có một ý nghĩa khác nhau:

  • Có chân (serif): sự uy tín, lâu đời.

  • Không chân (san serif): hiện đại, tối giản.

  • Viết tay (hand-writing): nghệ thuật, sự gần gũi.


Vậy nên bạn cần phải xác định được phong cách của thương hiệu để lựa chọn font chữ cho phù hợp. Sự phối hợp giữa font chữ, màu sắc, bố cục và phân cấp nội dung sẽ giúp thiết kế thể hiện rõ nét cá tính và bản sắc của thương hiệu.

Bố cục và phân cấp thị giác cũng là các yếu tố giúp định hình brand style bạn cần lưu ý. Bạn cần dựa vào brief ban đầu có nội dung, thông điệp cần truyền tải để phân cấp cho phù hợp. Khi phân cấp, chúng ta cần xác định và làm nổi bật nội dung chính để người xem nhìn vào sẽ biết ngay “đây là nội dung chính” từ đó bắt ý nhanh hơn và có thể ở lại đọc tiếp bài viết. Bạn không thể dàn nội dung sao cũng được, mà cần tập trung vào nội dung đúng cần truyền tải tới khách hàng, rồi sau đó mới là các ý phụ kèm theo.


Font chữ + màu sắc + bố cục + phân cấp = thiết kế thể hiện rõ nét cá tính của thương hiệu


Tất nhiên, bạn sẽ cần thời gian học hỏi và cập nhật thêm kinh nghiệm để có thể làm chủ hai kỹ năng này. 


Ở đây, Yen Design có gợi ý nhỏ cho bạn: hãy xem và tham khảo các thiết kế trên Pinterest, Behance, Instagram. Hãy tập phân tích, xem xem các thiết kế đó đang làm cho ngành nào, sử dụng phong cách thiết kế như thế nào, xử lý typography ra sao, màu sắc phối thế nào, cách họ sử dụng hình ảnh. Cứ theo hướng đó, dần dần bạn sẽ có thêm kinh nghiệm để tư vấn cho khách hàng. 


Chúng mình mong rằng với những chia sẻ này, sẽ giúp bạn - những designer chuyên nghiệp trong tương lai có thể nhanh chóng tạo được một brand style độc đáo của riêng mình, và từ đó có thể giúp thêm nhiều khách hàng khẳng định thương hiệu của chính họ qua bộ nhận dạng thương hiệu chính tay bạn thiết kế! 

Hãy nhớ dành thời gian để luyện tập, luyện tập và luyện tập. Bạn sẽ thành thạo và sớm tự tin đứng vững trên thị trường thôi!


Một lưu ý nhỏ nữa cho bạn: Bên cạnh tham khảo những kênh kể trên, đừng quên để ý quan sát những sản phẩm trong đời sống thường ngày để tích lũy thêm kinh nghiệm nhé.


Còn bây giờ, bắt tay vào luyện tập thôi nào!


Yen Design,


Comentarios


bottom of page