Ở bài trước, Yen Design & Brand Style đã nêu ra khái niệm, ý nghĩa và mối liên hệ giữa các thuật ngữ, gồm thương hiệu (brand), xây dựng thương hiệu (branding), nhận diện thương hiệu (brand identity) và logo. Theo đó, xây dựng thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc có logo và chạy chiến lược marketing, mà còn cần phải chuẩn bị một bộ nhận diện thương hiệu chất lượng, bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển một doanh nghiệp thành công. Bộ nhận diện thương hiệu giúp đảm bảo sự hiệu quả, nhất quán và ghi nhớ trong tâm trí khách hàng. Vậy nên, xây dựng và đánh giá lại bộ nhận diện thương hiệu là một việc cần thiết mà các doanh nghiệp phải làm.
Những yếu tố làm nên một bộ nhận diện thương hiệu chất lượng
Nhiều người nghĩ rằng, nhận diện thương hiệu chỉ cần logo là đủ. Thực tế, nếu ví logo như một gương mặt, thì quả thật chưa đủ để ta nhận diện một người, nhất là người ta ít gặp mặt và tiếp xúc. Ta cần dựa vào nước da, kiểu tóc, cách ăn nói, phong thái làm việc để gọi tên được người đó là ai. Tương tự như vậy, để nhận diện được một thương hiệu, bên cạnh logo, ta còn phải nhớ tới những yếu tố khác.
Hãy điểm qua một số thương hiệu lớn như Cocacola, Apple, Grab, Thế giới di động,…Có phải, chỉ cần nhìn vào một vài đặc điểm nổi bật như logo (Apple), màu sắc và biểu tượng (Coca cola) hay bộ ký tự - typography (Grab) là bạn đã có thể dễ dàng đoán ra ngay thương hiệu nào đúng không?
Và khi đã nhận ra được thương hiệu đó, bạn sẽ liên tưởng ngay tới một Tập đoàn Apple hùng mạnh với đội ngũ nhân sự thiên tài, một Cocacola đầy sáng tạo và một dịch vụ vận chuyển đầy tiềm năng phải không? Đó là tất cả những gì mà một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh và chất lượng làm được. Nó không chỉ dừng lại ở một logo đặc biệt, một bộ màu sinh động hay một bộ ký tự tinh tế, nó còn toát lên được tính chất và giá trị cốt lõi của cả thương hiệu.
01. Logo
Nhắc đến một thương hiệu, ta nghĩ ngay đến logo của nó. Đúng vậy, logo là hình ảnh trực quan nhất khi ta đề cập đến một thương hiệu, sản phẩm hay dịch vụ của thương hiệu đó. Đặc biệt, đối với những khách hàng chưa hoặc ít sử dụng sản phẩm của thương hiệu, một chiếc logo quen thuộc sẽ giúp họ gợi nhớ đến sản phẩm và dịch vụ đó.
Logo có mặt ở khắp mọi nơi, chúng ta dễ dàng nhận ra logo của những thương hiệu nổi bật trên khắp các ấn phẩm truyền thông. Đối với một thương hiệu, logo không chỉ là biểu tượng mà còn là trái tim, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp bởi:
Logo đại diện cho thương hiệu: Trong quá trình xây dựng thương hiệu, logo đóng vai trò quan trọng trong nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Một logo đặc sắc sẽ khiến người xem nhớ ngay đến thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hoặc thậm chí là câu chuyện của họ. Vậy nên, logo không chỉ là biểu tượng mà còn là trái tim của doanh nghiệp. Ví dụ, khi nhìn vào chữ F màu xanh, chắc chắn ai cũng nghĩ ngay đến nền tảng mạng xã hội facebook đúng không?
Logo tạo ra sự nhận diện: Logo càng đơn giản, sáng tạo, dễ nhìn thì càng dễ được ghi nhớ. Sự lặp đi lặp lại của logo trên các sản phẩm, hay các ấn phẩm truyền thông sẽ dần ghi lại dấu ấn trong tâm trí khách hàng. Chẳng phải khi thấy một quả táo cắn dở, bạn sẽ nghĩ ngay đến Apple và các sản phẩm của thương hiệu này đó sao?
Logo tạo sự khác biệt và cạnh tranh: Một logo độc đáo sẽ giúp thương hiệu nổi bật và thu hút sự chú ý của khách hàng, giúp khách dễ dàng phân biệt và nhận diện thương hiệu ngay tức thì. Hơn nữa, một logo được thiết kế riêng biệt sẽ phát huy tác dụng hơn so với logo được sử dụng đại trà. Người ta thường dùng hình ảnh của những cô gái đẹp làm logo cho thương hiệu spa & beauty. Nhưng người ta không đầu tư vào việc làm cho hình ảnh logo đó trở nên riêng biệt, sử dụng những ý tưởng chung chung, chỉ thay đổi tên và màu sắc, khiến thương hiệu trở nên mờ nhạt và khách hàng khó ghi nhớ, hoặc tệ hơn khách hàng có thể đi nhầm spa của đối thủ có logo giống mình.
Logo tạo ra các mối quan hệ và tương tác: Không chỉ có vai trò nhận diện, logo xuất hiện trên các nền tảng truyền thông sẽ tạo sự liên kết với khách hàng về mặt cảm xúc, góp phần tăng các lượt tương tác, thúc đẩy khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.
Không có đúng hay sai khi đánh giá một logo đẹp hay không, mà chúng ta sẽ xem xét tính độc đáo, đơn giản, phù hợp với thương hiệu. Giữa vô số doanh nghiệp lớn nhỏ hiện nay, khách hàng không thể nào ghi nhớ những câu chuyện, lịch sử, giá trị cốt lõi hay tầm nhìn, sứ mệnh của một doanh nghiệp. Họ thường có xu hướng lựa chọn sản phẩm dựa trên logo của thương hiệu quen thuộc, uy tín hoặc được số đông sử dụng. Vậy nên, logo không chỉ là biểu tượng, mà còn giúp kết nối và mang đến những giá trị cảm xúc cho khách hàng.
02. Bộ ký tự - Typography
Typography Có rất nhiều kiểu typeface khác nhau, nhưng tựu chung lại sẽ, chúng được chia ra làm 5 loại chính, gồm:
Serif: chữ có chân
San serif: chữ không chân
Hand writing: chữ viết tay
Display: chữ trang trí
Monospace: font chữ dành cho kĩ thuật code
Typeface của một thương hiệu được quyết định dựa trên cá tính và giá trị mà doanh nghiệp hướng đến.
Truyền tải giá trị và tầm nhìn của thương hiệu: Nghệ thuật dùng chữ trong logo và các thiết kế liên quan có thể truyền tải giá trị, tính chất và tầm nhìn của thương hiệu. Ví dụ, kiểu chữ serif (kiểu chữ có chân) gợi lên sự đáng tin cậy và chuyên nghiệp, trong khi kiểu chữ không chân hoặc kiểu chữ trang trí lại cho thấy sự trẻ trung, sáng tạo và độc đáo của thương hiệu.
Tạo sự nhận diện: Một typography độc đáo và đặc trưng giúp tạo ra sự nhận diện cho thương hiệu. Khi khách hàng nhìn thấy kiểu chữ đặc trưng được sử dụng trong các thiết kế và quảng cáo của thương hiệu, họ sẽ liên tưởng ngay đến thương hiệu và nhớ về sản phẩm của nó. Điều này tạo ra sự kết nối và tăng cường nhận diện thương hiệu. Ví dụ bộ ký tự chữ của Grab rất đặc trưng và chắc chắn rằng bạn sẽ nhận ra ngay thương hiệu này kể cả khi chưa đọc nội dung.
Tạo sự nhất quán và nhận diện thương hiệu: Việc sử dụng kiểu chữ nhất quán trên các ấn phẩm như website, bao bì sản phẩm, tài liệu tiếp thị và các kênh truyền thông khác… giúp tạo ra sự nhất quán và tăng cường nhận diện thương hiệu.
Tạo cảm xúc và tương tác: Cách sử dụng và phối hợp bộ typography một cách sáng tạo giúp doanh nghiệp tạo cảm hứng trong lòng khách hàng và kích thích họ tương tác, đưa ra quyết định. Một bộ typography tinh tế và hài hòa có thể gợi lên sự tin tưởng và ấn tượng tích cực.
Phân biệt và cạnh tranh: Sự lựa chọn tỉ mỉ về typography có thể giúp thương hiệu tăng tính phân biệt và cạnh tranh trong thị trường. Typography độc đáo và dễ nhìn sẽ giúp thương hiệu nổi bật và thu hút sự chú ý của khách hàng, đồng thời tạo sự khác biệt, hay nói khác đi là lợi thế cạnh tranh so với đối thủ cạnh tranh. Quay lại với bộ ký tự của Grab, ta thấy chẳng khó khăn chút nào để phân biệt Grab và Uber, Grab và Goviet hay bất cứ ứng dụng vận chuyển nào khác, khi nhìn vào bộ ký tự của họ, phải không?
Typography là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự nhất quán cho một thương hiệu. Một bộ ký tự tinh tế, phù hợp với phong cách mà logo và bộ màu của thương hiệu đang hướng tới, sẽ giúp cho thương hiệu đó tạo được ấn tượng trong lòng khách hàng. Ngược lại, typography cũng có thể trở thành "tội đồ" phá hủy tính chuyên nghiệp của thương hiệu nếu được sử dụng không đúng cách. Giống như logo, bộ ký tự của thương hiệu không chỉ dừng lại ở tính thẩm mỹ, đẹp hay xấu, mà còn được lựa chọn dựa trên sự phù hợp với phong cách, đặc tính của thương hiệu. Vậy nên, việc hiểu rõ những nguyên tắc về typography, sử dụng yếu tố thị giác để tạo nên những bộ chữ hài hòa, tinh tế là một việc vô cùng cần thiết trong quá trình thiết kế nên một bộ nhận diện thương hiệu chất lượng.
03. Màu sắc
Nếu phải lựa chọn một bộ màu dành cho thương hiệu thời trang em bé, và một dành cho thương hiệu thời trang trung niên, trong hai bảng màu dưới đây, bạn sẽ chọn bảng màu nào cho từng đối tượng trên?
Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và tạo ấn tượng đầu tiên với khách hàng. Màu sắc không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà nó còn là linh hồn, mang ý nghĩa về giá trị của thương hiệu và góp phần tạo ra những cảm xúc đặc biệt cho khách hàng. Không chỉ dừng lại ở các màu nguyên bản, mà mỗi sắc độ đậm hoặc nhạt cũng có ý nghĩa riêng của nó, giống như ví dụ phía trên.
Các công ty thường dùng màu xanh dương làm chủ đạo nhận diện vì nó mang ý nghĩa an toàn. Các thương hiệu về thức ăn hay dùng màu vàng, cam tạo cảm giác hấp dẫn, thèm thuồng. Các thương hiệu thực phẩm organic sẽ chọn màu xanh lá và nâu, màu của cây và đất để thể hiện tính tự nhiên của tạo hóa….
Việc đánh giá riêng lẻ từng yếu tố làm nên bộ nhận diện thương hiệu như trên là quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, để chúng phát huy hết tác dụng của mình, đừng quên đánh giá một cách tổng thể các khía cạnh này trên các ấn phẩm khác như bao bì, website, tài liệu tiếp thị, các ấn phẩm truyền thông. Sự đồng nhất trong nhận diện thương hiệu sẽ tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, gợi sự tin tưởng, từ đó ghi dấu trong tâm trí khách hàng.
Để rõ hơn, hãy cùng mình xem qua ví dụ bên dưới. Cùng là thương hiệu về spa và beauty, nhưng chỉ có một thương hiệu đầu tư về nhận diện thương hiệu, logo, màu sắc, typography và hình ảnh đồng nhất với nhau. Khi lướt các kênh mạng xã hội, bắt gặp một trong hai post giới thiệu chương trình như bên dưới, bạn sẽ nhận ra thương hiệu nào và chọn sản phẩm của thương hiệu nào qua hai bộ ảnh dưới đây?
Từ những phân tích trên, ta thấy việc đánh giá bộ nhận diện thương hiệu là vô cùng cần thiết bởi nó sẽ giúp bạn đánh giá lại thương hiệu, đo lường được mức độ hiệu quả của nó, từ đó có những điều chỉnh phù hợp giúp thương hiệu trở nên chuyên nghiệp, ấn tượng và thu hút hơn trong mắt khách hàng.
Nếu bạn đang phân vân về nhận diện thương hiệu của mình có thực sự hiệu quả hay không, hãy liên hệ Yen Design & Brand Style để được tư vấn.
Comments