top of page

12 nguyên tắc quan trọng trong thiết kế đồ họa

Thiết kế khác với nghệ thuật ở điểm, thiết kế cần phải có mục tiêu. Nói một cách trực quan hơn, một thiết kế có mục tiêu cần có trọng tâm, đảm bảo việc phân cấp yếu tố chính và phụ rõ ràng.




Có thể bạn đang nghĩ “Thiết kế chỉ cần sáng tạo là đủ”. Nếu bạn là một người khởi nghiệp, hay một nhà thiết kế mới bắt đầu, bạn sẽ dễ dàng bị cám dỗ bởi các yếu tố thẩm mỹ, dễ vướng vào hội chứng FOMO - sợ bỏ lỡ, như kết hợp quá nhiều kiểu chữ, quá nhiều màu sắc bắt mắt và tin rằng bản thân đang tạo ra một thiết kế tươi mới, đẹp đẽ. Tuy nhiên, đến khi hoàn thành, bạn lại thấy bản thiết kế lộn xộn, không có điểm nhấn hay thậm chí là rất xấu,nhưng lại không biết phải sửa nó như thế nào.


Thiết kế đồ họa, cũng giống như các ngành nghề khác, có những nguyên tắc nhất định, giúp thiết kế được cân bằng và ổn định. Nếu thiết kế thiếu sự cân bằng sẽ trở nên vô giá trị, không hiệu quả và không thu hút được người xem.


Dưới đây là 12 nguyên tắc thiết kế quan trọng. Hiểu rõ và áp dụng các nguyên tắc này sẽ giúp thiết kế của bạn trở nên nổi bật hơn.


1. Nhấn mạnh

Nguyên tắc đầu tiên chính là nhấn mạnh, đề cập đến các tiêu điểm của một thiết kế và thứ tự quan trọng của từng yếu tố khi phân cấp thiết kế. Nguyên tắc nhấn mạnh thể hiện thông tin quan trọng nhất và đảm bảo đó là thông tin đầu tiên mà người xem thấy được trên thiết kế của bạn.




Giả sử bạn đang tạo poster cho một workshop, bạn nên đặt những câu hỏi để tìm thông tin:

  • Phần thông tin đầu tiên mà người xem mong muốn được biết là gì? Là diễn giả hay chủ đề của workshop?

  • Ngày giờ, chi phí tham dự, hình thức và thông tin đăng ký như thế nào?

Sau khi trả lời các câu hỏi, bạn cần sắp xếp lại thông tin và phác thảo bố cục theo thứ tự ưu tiên đó. Nếu chủ đề workshop hoặc thông tin diễn giả là điểm quan trọng nhất, hãy đặt ở trung tâm, làm cho nó trở thành yếu tố lớn và gây chú ý nhất trên thiết kế bằng cách tăng kích thước, độ dày hoặc phối màu tương phản để tạo sự nổi bật.


Một bài viết hay cần phải làm rõ một nội dung, một kiến trúc đẹp cần có một điểm nhấn đặc trưng. Tương tự như vậy, một bản thiết kế chất lượng cần có một điểm nổi bật được nhấn mạnh rõ ràng để đạt được mục tiêu ban đầu


2. Cân bằng

Đừng bao giờ quên rằng, mọi yếu tố trên thiết kế đều có trọng số, hay còn gọi là trọng lượng. Trọng lượng thiết kế có thể là màu sắc, kích thước hoặc bố cục.


Lấy ví dụ, khi thiết kế nội thất cho một căn nhà, bạn không thể đặt hết mọi thứ vào một góc phòng, cũng không thể đặt tất cả các vật dụng với công năng khác nhau vào cùng một khu vực. Nếu không có sự cân bằng, người xem sẽ có cảm giác như thiết kế đang bị nghiêng và mọi thứ bị trượt khỏi trang thiết kế.



Có 2 dạng đối xứng gồm:

  • Đối xứng cân bằng

Thiết kế đối xứng tạo ra sự cân bằng thông qua các yếu tố có trọng lượng bằng nhau được căn chỉnh 2 bên của một trục trung tâm. Sự cân bằng đối xứng mang đến sự nhất quán và chuyên nghiệp cho ấn phẩm của bạn.

Theo nguyên tắc thiết kế Gestalt, tính đối xứng là một cách lý tưởng để đơn giản hóa việc xử lý dữ liệu trực quan cho người dùng.

Cách thiết kế này nhằm cung cấp trải nghiệm điều hướng đơn giản, đặc biệt là website, thường sử dụng trong trang cửa hàng trực tuyến, điều này giúp khách hàng dễ dàng mua hàng mà không bị phân tâm.

  • Cân bằng bất đối xứng

Thiết kế bất đối xứng sử dụng các trọng lượng đối lập như tương phản một yếu tố lớn với một yếu tố nhỏ, hoặc các yếu tố bằng nhau nhưng cách sắp xếp và thứ tự khác nhau nhằm tạo ra bố cục không đồng đều nhưng vẫn có trạng thái cân bằng.


Sử dụng tính bất đối xứng là một cách tuyệt vời để tạo sự năng động cho thiết kế và thu hút người xem.


3. Tương phản

Tương phản có nghĩa là các thành tố được đặt cạnh nhau nhưng luôn có một yếu tố trọng tâm, giúp tạo sự nổi bật trong mắt người xem. Hiệu ứng này tạo ra sự phấn khích và gây chú ý đối với người xem.

Sự tương phản là một cách giúp bạn nhấn mạnh các yếu tố quan trọng trong thiết kế một cách hiệu quả, tạo ra không gian và sự khác biệt giữa các thông tin trong thiết kế.

Bằng cách xác định yếu tố chính - phụ, bạn sẽ tạo nên sự khác biệt giữa phần nền và các chi tiết đồ họa trang trí khác biệt, để tổng thể có thể hài hòa và đọc được.



Nếu tất cả chữ trong thiết kế đều được in đậm thì làm sao người xem có thể biết đâu là yếu tố chính và phụ? Vì vậy, bạn cần phải nắm rõ các quy tắc về trọng lượng và kích thước của các yếu tố để tạo sự cân bằng.


Khi tìm kiếm các ý tưởng, hay những sản phẩm của những nhà thiết kế chuyên nghiệp, bạn sẽ thấy họ hầu như chỉ dùng một hoặc hai kiểu chữ, bởi vì độ tương phản có thể đạt hiệu quả nhất với hai kiểu chữ khác nhau hay thậm chí cùng một kiểu chữ nhưng với hai trọng lượng khác nhau như nét dày và nét mỏng. Nếu bạn thêm quá nhiều font chữ, lúc này các font sẽ cạnh tranh nhau và dễ khiến người xem nhầm lẫn mục tiêu ban đầu của thiết kế.


4. Sự lặp lại

Nếu thiết kế có một layout, bạn có thể chọn nhiều kiểu chữ hay màu sắc. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng tốt vì nó không thể tạo điểm nhấn cho thiết kế của bạn. Chưa kể, bản thiết kế sẽ trông lộn xộn, bị loạn và thiếu nhất quán nếu có nhiều layout, bởi bạn sẽ khó làm chủ mọi yếu tố.



Sẽ dễ dàng hơn cho bạn trong việc phối màu, phối chữ bằng cách chỉ chọn không quá 3 màu và không quá 3 kiểu chữ và lặp lại theo style đã đề ra gồm màu, kích cỡ và style chữ, bố cục sắp xếp. Cụ thể như thống nhất một style cho kiểu chữ tiêu đề chính, một style cho tiêu đề phụ, nội dung…Các yếu tố đồ họa hỗ trợ trang trí sẽ được lặp lại về kiểu dáng, màu sắc,... hay đơn giản hơn là lặp lại logo trong các ấn phẩm. Lúc này, thiết kế của bạn sẽ trông gọn gàng, chỉn chu, bố cục cũng được phân cấp rõ ràng.


Sự lặp lại là một nguyên tắc tuyệt vời để củng cố ý tưởng mà bạn muốn truyền tải qua ấn phẩm, tạo nên sự đồng nhất trong các thiết kế và tăng mức độ nhận diện thương hiệu của bạn. Bạn có thể sử dụng nguyên tắc lặp lại đối với các thành tố khác nhau như màu sắc, kiểu chữ, hình dạng và các yếu tố đồ họa khác.


5. Tỷ lệ

Tỷ lệ trong thiết kế là nguyên tắc dễ hiểu nhất. Về cơ bản, tỷ lệ đề cập đến kích thước của các phần tử và đối chiếu chúng với nhau trong một bản thiết kế. Các phần tử lớn sẽ dễ nhìn thấy hơn và là thông tin quan trọng hơn các phần tử nhỏ.


Điều này giúp người xem tiếp cận thiết kế của bạn dễ dàng hơn theo trình tự từng phần mà bạn đã điều hướng trong thiết kế thay vì tiếp cận tổng thể chung.



Tỷ lệ có thể đạt được nếu tất cả các yếu tố trong thiết kế của bạn có kích thước phù hợp và được bố trí cẩn thận. Khi bạn thành thạo việc căn chỉnh, cân bằng, độ tương phản và tỷ lệ sẽ xuất hiện một cách tự nhiên.


6. Khoảng trắng

Thông thường, chúng ta sẽ luôn cố gắng tận dụng tất cả không gian để có thể mang đến nhiều nội dung giá trị cho khách hàng. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến bản thiết kế mang đến cảm giác bị ngộp, bí bách và rối.



Khi áp dụng khoảng trắng, hay còn gọi là không gian âm trong thiết kế, bạn sẽ tạo ra thứ bậc và tổ chức trong thiết kế tốt hơn. Nhờ vào khoảng trắng, chúng ta dễ dàng phân biệt được các nhóm nội dung tách biệt khác nhau, giúp thiết kế trở nên hài hòa và dễ bắt thông tin nhanh hơn


Ngoài việc phân cấp nội dung, khoảng trắng đôi khi còn hỗ trợ những ý tưởng, giúp thiết kế ấn tượng hơn. Khoảng trắng cũng được sử dụng trên logo để tạo hình ảnh đầy ẩn ý cũng như cung cấp thêm thông tin về thương hiệu của bạn.


7. Nhịp điệu

Giống như âm nhạc, một bản thiết kế tốt cũng có nhịp điệu.

Nhịp điệu ở xung quanh chúng ta: theo chu kỳ ngày và đêm, sự thay đổi các mùa, hơi thở và nhịp tim. Nhịp điệu là sự cần thiết cho cuộc sống và sự hài hòa.



Nhịp điệu trong thiết kế mạnh mẽ đến mức có thể thôi miên người xem. Sự lặp lại của ngôn từ hoặc hình ảnh có ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần và cảm xúc, trí nhớ và suy nghĩ của người xem. Trên thực thế, nó gần như chi phối bộ não của chúng ta.


Nhịp điệu trong thiết kế bao gồm hình ảnh, yếu tố đồ họa hay cách sắp xếp bố cục chữ và màu.


Kết hợp với nguyên tắc lặp lại, nhịp điệu không chỉ tạo ấn tượng cho toàn bộ thiết kế mà còn góp phần tạo nên một bộ nhận diện thương hiệu độc đáo, từ đó thu hút sự tập trung và ghi dấu ấn trong tâm trí người xem.


8. Hệ thống phân cấp

Hệ thống phân cấp trong thiết kế vô cùng quan trọng. Việc sắp xếp các yếu tố chính và phụ theo thứ tự quan trọng kết hợp cùng cách cân chỉnh, phối màu hài hòa sẽ mang lại một thiết kế tốt. Điều này giúp người xem hiểu rõ những nội dung quan trọng theo hướng mà người thiết kế mong muốn trên sản phẩm của mình.



9. Hoa văn

Hoa văn được sử dụng nhiều trong thiết kế, đặc biệt là thiết kế bộ nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên không phải bản thiết kế nào cũng có hoa văn.



Hoa văn tạo nên những ấn phẩm bắt mắt và hài hòa.


Khi sử dụng hoa văn, nhà thiết kế thường sử dụng nguyên tắc lặp lại xuyên suốt các ấn phẩm. Nhờ đó, thiết kế trở nên hấp dẫn, đồng nhất hơn, và thương hiệu cũng được nhận diện tốt hơn.


10. Chuyển động

Chuyển động trong thiết kế đồ họa là cách mà mắt người xem tương tác với thiết kế của bạn. Yếu tố quan trọng nhất là điều đầu tiên người xem sẽ nhìn thấy. Và sau khi chạm được thông tin chính yếu đó, thiết kế của bạn cần dẫn người xem đến các yếu tố quan trọng tiếp theo.



11. Sự đa dạng

Nguyên tắc đa dạng trong thiết kế tạo ra sự quan tâm trực quan cho người xem. Nó được dựng nên từ những yếu tố khác nhau như: màu sắc, kiểu chữ, hình ảnh, hình dạng…


Điều quan trọng là bạn cần phải nắm rõ nguyên tắc đa dạng này và hết sức cẩn thận để không làm quá tải thiết kế, khiến nó bị loạn ngay trong chính tổng thể.



Khi thiết kế, bạn cần tuân theo các quy định dành cho yếu tố thông tin, chúng phải có mối liên hệ rõ ràng và truyền đạt thông điệp thống nhất với nhau. Điều này giúp thiết kế của bạn trở nên gọn gàng và ngăn nắp hơn.


Ngoài ra, việc sắp xếp bố cục hài hòa và chặt chẽ trong bản thiết kế sẽ giúp người xem nhận diện nhanh thông tin hơn.


12. Thống nhất

Bằng cách thống nhất phòng cách cho các yếu tố như màu sắc, kiểu chữ, hoa văn, màu hay bố cục, điều này sẽ tạo nên các mối quan hệ rõ ràng của các thành phần và truyền tải được các khái niệm giống nhau giữa các thiết kế. Giúp thiết kế trở nên gọn gàng và thống nhất với nhau hơn. Nhờ đó, sẽ dần hình thành nhận diện thương hiệu trong tâm trí của người xem.



Chúng ta thường cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong thiết kế chính là tư duy thẩm mỹ. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Giống như nhiều ngành nghề khác, thiết kế cũng có những nguyên tắc riêng của mình. Nhà thiết kế giỏi không chỉ nhạy bén với cái đẹp, cái mới, mà còn phải thấu đáo nhu cầu của khách hàng và hiểu rõ mục tiêu cuối cùng của ấn phẩm.


Với những nguyên tắc được Yen Design & Brand Style tổng hợp trên đây, hy vọng sẽ mang lại cái nhìn tổng thể và giúp các bạn áp dụng vào thực tiễn công việc của mình một cách hiệu quả.


Nguồn: Tham khảo 99 Design và các & Place it

Biên tập: Yen Design & Brand Style

Comments


bottom of page